Hà Huy Khoái

Sapere aude

CẮT TÓC VỈA HÈ X: NÓI VỀ NGƯỜI KHÁC

with one comment

Hôm nay, thấy cậu cắt tóc có vẻ buồn, mình hỏi:
– Cậu làm sao mà trông buồn thế.
-Cháu vừa đi đưa tang về. Buồn vì người, buồn vì mình nữa ông ạ
-Sao thế?
– Thì cái bà mới mất ấy, ở trong khu tập thể của cháu. Cháu xem thường bà ta lắm, mặc dù bà ấy đối với ai cũng tốt. Chả là cháu nghe nói trước đây bà ấy có lần ăn cắp, hình như là ở siêu thị. Nhưng khi nghe điếu văn, cháu mới thấy bà ấy là người làm được nhiều việc lắm ông ạ. Thế mà mình chỉ nghĩ đến một lần bà ấy sai lầm. Thật xấu hổ. Nhưng bây giờ thì muộn rồi. Giờ cháu nghiệm ra, nhìn ai cũng chỉ nên nghĩ đến điều tốt mà họ làm được, đừng lởn vởn với điều xấu mà họ từng mắc phải. Sống thế mới thanh thản ông nhỉ.
– Này, cậu đọc nhà văn Mô-roa rồi à?
– Nhà văn Mô Tê gì hả ông? Người Nghệ Tĩnh quê ông à ?
– Ừ, quê ông !
Mình trả lời cho qua chuyện, chứ làm sao mà nói được với nó về André Maurois. Cách đây rất lâu, hình như hồi ở Bures-sur-Yvette (1988), khi đọc cuốn “George Sand” của ông ấy, mình nhớ một câu ná ná thế này:
“Khi nói về một con người, nên nhắc đến tầm cao mà họ đã đạt được, chứ không phải hố sâu mà họ đã có lúc rơi vào”.
Tay thợ cắt tóc này suy nghĩ cũng chẳng kém Maurois!
Nhưng hình như người ta chỉ làm như thế một lần, với mỗi người. Khi đã quá muộn: ấy là lúc đọc điếu văn!

Written by dinhthucuc

Tháng Mười Hai 31, 2014 at 3:34 chiều

NHẬT KÝ BỆNH VIỆN

leave a comment »

(Vào bệnh viện mấy hôm, viết lên FB cho đỡ buồn. Cất vào đây.)

December 18 at 12:04pm ·

VÀO VIỆN.

“Nhưng đối với các cậu trên này thời gian chắc phải trôi nhanh lắm chứ?” Hans Castorp nhận xét.
“Nhanh và chậm tuỳ ý cậu”, Joachim đáp. “Tớ thì muốn bảo với cậu rằng nó hoàn toàn không trôi đi, đó không còn là giòng thời gian, cũng không phải cuộc đời, không, chẳng là gì cả”.
(Núi thần , Thomas Mann)

Sao giống chỗ này thế nhỉ?

December 19 at 6:15am · Edited ·

CÁI ÁO

Mặc cái ao “pijama” màu xanh vào là thành ngay bệnh nhân. Là ngoan ngoãn đi theo cô y tá xét nghiệm thứ này thứ khác. Là ngồi tán gẫu mà hoàn toàn không thấy tiếc thời gian. Vì thời gian có còn trôi như “ngoài kia”nữa đâu.
Mà sao người ta nghĩ giỏi thế. Cái ào tù và áo bệnh nhân hao hao giống nhau. Mặc vào, người ta trở thành dễ bảo, như trẻ con. Ngẫm ra thì bộ quần áo, đúng hơn là những bộ đồng phục làm thay đổii con người.
Sao không có bộ quần áo nào để khi mặc vào, người ta thành “tử tế” nhỉ? Nếu có thì đó chắc không phải là com lê, cà vạt rồi.
Nhưng sự tử tế có cần khoác cái áo nào đâu? Nhiều thứ khác cần “khoác áo” tử tế thì có.

December 21 at 11:55am · Edited ·

ĐÊM BỆNH VIỆN

-Bánh khúc nóng đây!
Nghe tiếng rao, mừng quá. Chắc sáng rồi. Ai từng đau cái gì đó, đêm không ngủ được thì hiểu nỗi mong trời sáng là thế nào. Nhìn đồng hồ:2 giờ sáng.
Sao có người rao bánh khúc lúc này nhỉ?
Sáng ra tìm được câu trả lời: sau ki ốt góc sân bệnh viện, trên mấy cái ghế đá xếp lại với nhau vẫn còn chiếc chiếu. Hoá ra đó là nơi nghỉ đêm của những người canh tin tức người thân cấp cứu.
Đêm động lạnh thế này vẫn còn người ngủ ở đó. Vẫn còn người phải đi bán bánh khúc đêm. Hình như mỗii cặp bánh có 10000 đồng.
Hồi còn bé, bánh khúc là món quà hơi quá xa xỉ, chẳng mấy khi dám mơ

December 22 at 11:55am · Edited ·

BẠN “TÙ”

Phòng có bốn người. Một cụ là hội viên hội nhà văn, suốt ngày hý hoáy viết. Mình rất lo, vào đây, chẳng lấy đâu ra đề tài, không khéo mình thành “nhân vật” của cụ ấy. Sau hỏi ra mới biết cụ là nhà thơ. Thảo nào chốc chốc lại nhìn ra cửa sổ. Kiểu này thì mấy cái cây cao trong sân bệnh viện chịu trận thay mình rồi! Một cụ nữa là “nguyên nhà báo” Mà chắc cũng “nguyên lâu rồi”, nên khi mấy ông bạn thăm mình ra về, cụ mới hỏi:”Lúc nãy tôi nghe bạn anh nói thì Nguyễn Quang Lập bị bắt rồi à”. Ông thứ tư trẻ hơn mình, giáo sư văn học, nghiên cứu về văn học thế giới. Nghe ông ấy làm việc với học trò, cũng hiểu thêm ít nhiều về tình yêu trong văn học Campuchia.
Ngày trước, các chiến sĩ cách mạng lấy nhà tù làm trường học cũng phải. Mới ở đây 5 ngày mà kiến thức mình thêm nhiều đáo để!

December 23 at 7:56pm · Edited ·

KỸ SƯ “THÂN THỂ”.

Người ta thường nói “Thầy giáo là kỹ sư tâm hồn”, thế thì thầy thuốc đúng là “kỹ sư thân thể”.Khi thân thể bạn có khuyết tật gì, họ chữa cái đó.

Sự khác nhau chỉ là: người có khuyết tật tâm hồn thì thường không thấy khuyết tật đó, trong khi đối với thân thể thì ngược lại.
Có lẽ vì thế mà thầy thuốc thường được nể trọng hơn thầy giáo.
Sáng nay, khi bác sĩ trưởng khoa đi thăm bệnh, nhìn thấy tấm biển ghi “tiến sĩ…”, mình rất kính nể. Lâu nay làm việc với bao nhiêu tiến sĩ lại không thấy cảm giác đó!

December 23 at 23 hrs · Edited ·

CƠM TÙ

Gọi là cơm tù cho đúng cảnh, chứ cơm ở đây cũng đàng hoàng. Nhà ăn đẹp, vách kính sáng trưng nhìn ra sông Hồng. Bên trái là cầu Chương Dương, bên phải là cầu Vĩnh Tuy.
Câu chuyện nhà ăn năm nay so với năm 2005, khi mình ở đây thì hoàn toàn khác. Hồi đó, mọi người toàn bàn chuyện chính trường, “thằng này sắp lên chức này, thằng kia sắp lên chức kia”. Gọi là “thằng”, vì phần đông bệnh nhân là các cụ, nhìn ai cũng là “đàn em” cả. Năm nay chủ đề dường như chỉ xoay quanh chuyện sức khoẻ. Quả thật ngày người ta càng khôn hơn.
Hôm qua rất ngạc nhiên khi thấy một cụ áo xanh như mình quát ầm ầm nhà ăn, mà mấy cô áo trắng không ho he gì cả. Nơi này, áo trắng mới là chỉ huy chứ. Hỏi ra thì biết, cụ áo xanh này nguyên là giáo sư ở bệnh viện Việt Đức. Thảo nào, cụ quen quát mấy cô áo trắng rồi. Bây giờ quên hẳn trên người mình chỉ là bộ áo xanh!

December 25 at 9:04am · Edited ·

“BẠN” MỚI.

Cụ nguyên nhà báo được ra rồi. Thay vào đó là cụ nguyên bác sĩ bệnh viện Y học dân tộc. Khi biết mình 69 tuổi, cụ giơ tay lên trời”trẻ quá”! Hỏi ra thì cụ 91 tuổi, vào viện vì cái gì đó đặt ở tim năm 2007, ở đó lâu quá nên hình như nó đòi ra, bắt đầu giở chứng. Cụ phải vào thay cái mới. Kết hợp “dân tộc” với hiện đại, thảo nào cụ khoẻ thế. Vẫn đọc sách. Nhìn xa thấy cuốn sách quen quen nhưng không dám hỏi. Chiều thấy cụ kể với cô con gái về “mở luân xa thứ 6” trên trán để nhận năng lượng vũ trụ. Cái thói háo danh xuýt nữa làm mình khoe với cụ: tác giả cuốn sách đó là ông bạn của mình. May mà kịp kìm lại, chứ nếu không sẽ bị chê là “thấy người sang bắt quàng làm họ”‘ chứ “trẻ” như mình, bạn thế nào với ông tác giả đáng kính nọ!
Mỗi câu:”Bố vào viện rồi con ạ” mà thấy cụ bấm máy đến 8 lần. Cứ cho là cụ gọi cả dâu rể, chia đôi ra thì cụ không dưới 4 con. Thảo nào cụ khoẻ mạnh, yêu đời thế.

December 25 at 8:50pm ·

TẠI NGOẠI

Đã xin được lệnh tại ngoại. Nhưng vẫn trong quy chế quản thúc: hàng ngày phải vào xét hỏi và “tra xung điện”. Đó là chưa kể còn phải thực hiện một số động tác “tự tra tấn” cái khớp vai, chưa đau thì chưa đạt yêu cầu!
Thời hạn quản thúc chưa xác định, nhưng xem ra còn khá dài. Cũng phụ thuộc thái độ cải tạo thế nào nữa. Nếu tái phạm lại phải vào đó như chơi.
Mà lúc ấy thì án phạt chắc sẽ dài hơn nhiều.

 

Written by dinhthucuc

Tháng Mười Hai 27, 2014 at 6:37 sáng

CẮT TÓC VỈA HÈ IX: CHUYỂN ĐỘNG 24

leave a comment »

Hôm nay thấy tay thợ có vẻ vội, mình hỏi:

– Cậu định đi đâu à?

– Không, gần 11 :30 rồi, cháu phải vào xem « Chuyển động 24 » ông ạ.

– Cậu thích thế cơ à ? Tớ ít xem, nhưng nghe anh bạn nói là ngoài những tin như trong Thời sự thì còn toàn chuyện « vỉa hè », kiểu như : gì thế nhỉ ? hôm nay ăn gì nhỉ ? đi đâu nhỉ ? thằng kia khai gian tuổi hay sao nhỉ ?, cô kia béo mà vẫn xinh, ông kia gầy nhom mà vẫn đẹp?…

– Thì cháu thích thế đấy ông ạ ! Thảo dân như cháu, mấy chuyện to lớn quan tâm làm gì. Trước đây, toàn phải ra quán hóng hớt. Rẻ cũng mất một ly trà đá, lại còn mang tiếng thích chuyện « ngồi lê đôi mách ». Nay thì đàng hoàng ở nhà, mà chuyện đâu đâu cũng biết. Có khi còn nghe cả chuyện người ta « tâm sự » trên mạng nữa chứ !

Rồi hắn tiếp :

– Cháu cũng có thằng bạn không thích « chuyển động 24 ». Hắn lại còn bảo : mỗi phút trên TV đắt lắm, tiền triệu đấy ! Vậy mà ngày 60 phút, bao tiền. Mà lại không phải tiền chùa, tiền thuế cả đấy. Cháu phải giảng cho hắn : trước đây bao người như cháu tốn tiền, tốn thời gian ra quán hóng hớt, nay đỡ khoản đó. Tính ra hiệu quả xã hội lớn lắm ông ạ.

Mình nghĩ bụng : thằng này khá ! Nó nhìn ra nhiều cái sâu hơn mình. Mà tài thế, sao không làm được việc gì to hơn cắt tóc nhỉ ? Có lẽ nó thật quá, đến thích « ngồi lê đôi mách » mà cũng kể. Muốn được cái gì, phải gian một chút chứ. Không gian bằng cấp, không kê gian tài sản, thì cũng phải gian tí tuổi. Đằng này, thật như đếm thế thì đi cắt tóc vỉa hè còn là may. Có khi phải « cạp đất mà sống » ấy chứ !

Nghĩ vậy, thấy đã 11:29 rồi, giục hắn kết thúc luôn. Nhỡ hắn vội, cắt tóc, lại còn cắt thêm tí tai thì mình toi.
Ra về, trả 35K mà không tiếc. Tiểu học bây giờ học thêm một buổi đã 50 K. Mình là giáo sư, dẫu có hưu trí rồi, thì 35 K một bài học là rẻ. Coi như hôm nay lãi được cái đầu.

Written by dinhthucuc

Tháng Mười Một 22, 2014 at 9:14 chiều

CỐ GẮNG…SUỐT ĐỜI?

leave a comment »

 

Ngồi chuyện tào lao, có anh khen:”Cơ chế ở Mỹ hay thật. Nó khiến người ta phải cố gắng thường xuyên”.
Nghe mà hãi. Chưa ở đó chưa biết, nhưng nếu sống là phải cố gắng thường xuyên thì…mệt thật. Ngày xưa nghe nói “Hạnh phúc là đấu tranh”, nay “Hạnh phúc là cố gắng”, hay sao?
Lại nhớ, người Tây Nguyên có phong tục: thỉnh thoảng phải uống thật say. Để thỉnh thoảng có thể sống mà không phải có trách nhiệm gì! Trong bữa rượu đó, không ai được quyền tỉnh, để không ai nhớ ai đã làm gì lúc say.

Ngẫm ra, văn hóa Tây Nguyên cao vời vợi như đỉnh Chư Pông.
Không dễ gì mà hiểu hết được.

 

Written by dinhthucuc

Tháng Mười Một 20, 2014 at 4:41 chiều

Posted in Chuyện Đời

TĂNG LƯƠNG…MỘT TRIỆU LẦN!

leave a comment »

(Thử nghiệm áp dụng Toán học vào…tuyên truyền).

Vừa rồi Quốc Hội bàn chuyện tăng lương. Một số loại “đối tượng” vui mừng vì túi sắp thêm ít đồng. Phần đông thì vẫn chờ đợi kỳ sau.
Lại nhớ, trước khi về hưu, mình tính ra đã được tăng lương 1.000.000 lần. Lúc đầu nhiều người không tin. Nhưng thử làm phép tính đơn giản thì thấy đúng thật: hồi ra trường (1968), lương tốt nghiệp Đại học được 64 đồng. Khi về hưu, lương khoảng 6.500.000 đồng. Tức là tăng hơn 100.000 lần. Phải kể thêm là năm 1984 đổi tiền, “mười ăn một”, vị chi thực chất lương đã tăng hơn 1 triệu lần!
Không hiểu các bạn đi đây đó nhiều có thấy đâu nữa không, chứ mình nghĩ mức tăng như thế cũng là cao.
Bây giờ, các bạn vừa ra trường lương khoảng 150 USD/tháng. Yên tâm đi, khi về hưu, lương bạn có thể đã là 150.000.000 USD/tháng (bằng chữ: Một  trăm năm mươi triệu đô la Mỹ) đấy nhé!
Không phải là mơ đâu, là tính toán khoa học hẳn hoi đấy!

Written by dinhthucuc

Tháng Mười Một 14, 2014 at 8:16 chiều

CẮT TÓC VỈA HÈ VIII. SỢI TÓC CHẺ TƯ.

with one comment

CẮT TÓC VỈA HÈ VIII. SỢI TÓC CHẺ TƯ.

Mình hỏi tay thợ cắt tóc:
– Này cậu, cậu có chẻ sợi tóc làm tư được không?
Hắn cười ha hả, ra chiều thương hại ông già lẩm cẩm:
– Ông bảo cháu cắt làm 10 đoạn thì được, chứ chẻ đôi còn chịu, nữa là chẻ tư. Với lại, sợi tóc để nguyên thì là sợi tóc, chứ ông chẻ tư nó ra thì đâu còn là sợi tóc nữa mà cứ ngồi bàn về sợi tóc!
– Thế giải nghĩa từ “sợi tóc chẻ tư” thế nào cậu?
– À, là “chẻ tư sợi tóc”,  chứ còn gì nữa!
Nghe vậy mình giật thót:
– Này, cậu có phải là cái tay Vũ Chất mà người ta đang truy tìm không đấy?
Hắn xanh mắt:
– Cháu có phạm tội gì đâu mà người ta truy tìm, hả ông?
Trả tiền rồi, vẫn phân vân:”Hay hắn là Vũ Chất thật nhỉ? Cái kiểu giải nghĩa như thế, lại cũng có vẻ đã từng học hành. Chắc phải đi báo với cơ quan chức năng, họ đang tìm chưa ra”.
Mà thôi, xưa nay chưa phải làm việc với “cơ quan chức năng” bao giờ. Nay tự dưng tìm họ. Chả dại.

Written by dinhthucuc

Tháng Mười 15, 2014 at 8:24 chiều

GÀ-CHUỒNG, ĐẦU – TIỀN (CẮT TÓC VỈA HÈ, VII).

with one comment

Lần này mình chủ động bắt chuyện gã cắt tóc. Nhân câu chuyện vui “gà – chuồng 8×4, 4×8” (đang ồn ào, nhưng mình không hiểu mô tê chi cả, vì không phải chuyên gia đại số), mình trêu gã cắt tóc một chút:
– Chủ nhật thế này, chắc cậu kiếm kha khá nhỉ? Được khoảng bao nhiêu?
– Thường chủ nhật, cháu cắt được khoảng 20 cái đầu, mỗi cái 30 ngàn, 30 nhân 20, vị chi là 600 ngàn ông ạ.
– Cậu sai rồi, phải là 20x 30 chứ ! Tính như cậu thì tức là cậu xem 30 ngàn quan trọng hơn một cái đầu người, nên để trước ! Cậu không biết trong những cái đầu cậu cắt, có cái đã từng thét ra lửa à ? Thể mà dám để sau 30 ngàn đồng bọ của cậu !
Gã hãi quá, lắp bắp :
– Nhưng…cháu chỉ để ý 30 ngàn thôi ạ ! Đầu nào cháu cũng cắt thế thôi !
Vừa lúc đó có cậu bé bước đến.
-A, cắt cái đầu này nữa là hôm nay được 21 cái !
Thằng bé nghe sợ quá, cháy biến !

Written by dinhthucuc

Tháng Chín 9, 2014 at 9:08 sáng

SAO KHÔNG VÔ ĐỊCH THẾ GIỚI MÔN CHẠY?

leave a comment »

 Trước đây mình có thắc mắc như thế về thể thao Việt Nam. Tại sao: vì thấy người Việt thích chạy nhất thế giới.
– Khi còn trong bụng mẹ: CHẠY cho được để vào nhà hộ sinh VIP, CHẠY để được bác sỹ giỏi mổ vào giờ đẹp (đặng Trời cho có số may mắn).
– Ra khỏi bụng mẹ ít năm, CHẠY để vào được nhà mẫu giáo “điểm”
– “Tốt nghiệp mẫu giáo”: CHẠY vào trường “siêu tốt, siêu đắt” (học phí 10 triệu/tháng)
– Tốt nghiệp ĐẠI HỌC: chạy cho được việc làm “ngon”.
– Ốm đau: CHẠY bệnh viện, CHẠY bác sĩ…
– Nhắm mắt xuôi tay: CHẠY để được vào nghĩa trang này, nghĩa trang nọ.


CHẠY, CHẠY CHẠY,…từ khi còn là cái trứng bé xíu cho đến khi thành cát bụi bé xíu.


Nay thì phần nào đã hiểu tại sao người Việt chạy nhiều thế, mà khi thi chạy với thế giới thì vẫn kém. Ngẫm ra trong “quá trình chạy”, người Việt ít khi tự chạy. Khi thì bố mẹ chạy cho mình (chạy học, chạy hành, chạy việc), khi thì con cháu chạy cho mình (chạy mồ, chạy mả).


Mỗi người đều chạy cho người khác, không phải cho mình.
Hình như trong những việc khác, người Việt ta cũng có cái đức như thế: sẵn sàng hy sinh cho thiên hạ, nhưng khi đến việc của chính mình thì lại cứ mong có ai đó CHẠY giúp!


Thế thì làm sao vô địch được. Trong mọi cuộc thi.

Written by dinhthucuc

Tháng Tám 14, 2014 at 10:30 chiều

HỌC THẾ NÀO.

with one comment

Sắp vào năm học, tình cờ nghe được câu chuyện chọn Trường, chọn Thầy:

– Này cậu, tớ thầy trường cậu nhiều thầy giỏi nhỉ.

-Ừ, đã từng dạy ở trường tớ có thầy Trung, thầy Nhật, thầy Pháp; cả cô Mỹ, cô Nga và cô Anh nữa.

– Tớ nghĩ mãi mới hiểu tại sao nhiều thầy giỏi thế mà cậu vẫn dốt đấy! Chưa học kỹ thầy nào, nhẹ thì cậu đã chê bai họ, nặng thì còn đuổi đánh! Làm sao học đến nơi đ- ến chốn được.-

– Đúng thật, bây giờ làm thế nào? Mời vài thầy quay lại à?

– Mời thế nào được. Mà có quay lại, họ thích thú gì chuyện dạy đứa học trò cá biệt như cậu! Tốt nhất cứ đưa mấy bài họ đã dạy ra ôn cho kỹ. Bài học lịch sử đấy, quý lắm.

– Cám ơn cậu! Tớ phải tôn cậu làm thầy!

-Ấy chết, cậu định mai lại đuổi đánh tớ đấy à?

Written by dinhthucuc

Tháng Tám 11, 2014 at 8:39 sáng

Posted in Chuyện Đời

LÒNG NGƯỜI MÊNH MANG

with 2 comments

 

Đi cà phê Trung Nguyên về. Gặp được một ông trông Quen Quen. Lại được thấy Cụ Hinh vừa đàn vừa hát. Ra về còn được cho cuốn “Lòng người mênh mang” của Hoàng Hồng Minh. Nghe nói cuốn này thuộc thể loại mới lắm. Hình như là “Bút tản văn tùy”, mà không phải, là “But tùy văn tản””. Cũng không phải, mới quá, chưa kịp nhớ.

Nghe ông họa sĩ Lê Thiết Cương nói. Ông này thật lạ. Vẽ thì ông ấy kiệm nét là phải, vì cũng đỡ tốn dầu vẽ. Đằng này, lời nói chẳng mất tiền mua mà cũng kiệm. Mỗi câu:”Hoàng Hồng Minh viết về cái rất nhỏ để nói cái rất to”. Chẳng hiểu mô tê chi cả. Xem tranh không hiểu gì còn được, chứ nghe nói mà không hiểu, bực lắm.

Rồi đến ông tác giả, kể là ông ta đã phải ngụp lặn xuống mấy tầng văn hóa mới ra được cái “tản, tùy” này. Hãi quá. Mới lênh đênh trên cái xã hội này đã thấy kinh, ngụp lặn dưới đó thì bao giờ gội đầu cho sạch?

Rồi lại nghe con gái Chau Ngo đọc một đoạn trong sách. Hình như là về cái dự án làm nhà máy sản xuất săm-pun gội đầu. Đã tưởng là hiểu, vì đó là việc cần làm ngay sau khi ở dưới mấy tầng văn hóa ngoi lên, ai dè là “săm-pun” để gội đầu cho…vịt!

Cầm cuốn sách về nhà, xếp kỹ lên giá. Nhìn rất thích, vì cái ông Lê Thiết Cương này trình bày rõ đẹp. Nhưng mà chưa dám đọc. Chỉ lo càng đọc càng khó.

Long người mênh mang…hiểu thế nào được.

Written by dinhthucuc

Tháng Tám 7, 2014 at 7:17 sáng

Tóc rễ tre (CẮT TÓC VỈA HÈ – VI)

leave a comment »

 Hôm nay mình chủ động bắt chuyện hắn. Bắt chước “nhà báo”, dẫu phỏng vấn ai thì câu đầu cũng kiểu thế này:
– Khi cắt tóc thì cháu có CẢM XÚC gì?
– Cảm xúc gì đâu ông! Chỉ thấy buồn.
– Triết gia như cậu, buồn cho sự đời là phải!
– Cháu chỉ buồn cho mình thôi. Cũng là thân phận cắt tóc, mà cháu suốt ngày phải cắt tóc “rễ tre”, đâu được như các nhà hàng sang, toàn tóc mềm, tóc mượt, tóc quăn…
– Tóc mà cũng lắm loại thế à?
– Thế đấy ông ạ. Mấy người số vất vả, tóc cứ cứng tua tủa như cái rễ tre. Loại đó hay cắt tóc ở chỗ cháu. Loại số nhàn, tóc mềm hơn thì thường vào nhà hàng. Nhưng sướng nhất vẫn là những đứa cắt tóc riêng cho mấy ông to. Ngày nào họ cũng cắt ông ạ. Thực ra là sửa sang một chút thôi, để xuất hiện trên tivi, khi nào cũng thấy mái tóc họ như vậy. Không dài, không ngắn. Chỉn chu, đĩnh đạc.
– Vậy mà lâu nay tớ cứ tưởng các ông ấy chẳng để ý gì chuyện đầu tóc, râu ria!
– Đâu có, chuyện râu ria mới là quan trọng chứ ông! Chả thế mà TV khi nào cũng chiếu cận cảnh mấy ông râu ria rõ đẹp. Mà nói thật chứ, thảo dân như cháu cũng chỉ phân biệt ông này ông nọ qua “râu ria” thôi ạ: ông thì râu tóc đều đẹp; ông thì đầu hói, chỉ có râu…Dưới cái tóc, râu đó, họ nghĩ gì, hay không nghĩ gì, có trời biết!

Written by dinhthucuc

Tháng Tám 5, 2014 at 4:36 chiều

LY HOÀNG LY – PHẲNG CHUNG THỦY VÀ TOÁN HỌC

leave a comment »

(Đã đăng Tuổi trẻ cuối tuần, 25/7/2014)

Không phải lần đầu tiên Toán học là cảm hứng cho nghệ thuật. Sanvador Dali từng có loạt tranh cuối đời lấy cảm hứng từ “lý thuyết tai biến” của René Thom. Nhưng nếu Sanvador Dali vẽ nên “hình học của các tai biến”, thì Ly Hoàng Ly vẽ theo những con chữ của “Bổ đề cơ bản Langlands-Ngô Bảo Châu”.

Họa sĩ thuật lại công việc của mình thật giản dị trong lớp học của Ngô Bảo Châu:

“…tôi trở thành người ký họa không hiểu gì,chỉ đơn giản chép lên sổ vẽ tất cả các ngôn ngữ toán và các hình ảnh mà Giáo sư Châu viết lên bảng đen, giải thích chứng minh Bổ đề cơ bản của ông cho sinh viên…”

“…Trong cuộc hội thoại với giáo sư Ngô Bảo Châu, tôi hỏi ông có cách nào thị giác hóa thuật ngữ phẳng chung thủy theo như ngôn ngữ thông thường, Giáo sư Châu đáp:”Nếu một cái đinh ốc là một cái chốt có ren để gắn các vật vào nhau, thì phẳng chung thủy có thể được hình dung như một cái đinh ốc gắn giữ nguồn gốc của những dạng toán đã được biến đổi”. Tôi mượn thuật ngữ toán học phẳng chung thủy làm tựa đề cho dự án nghệ thuật đang triển khai của mình. Dự án này, có vẻ như nghịch lý với tựa đề, đã khởi lên từ nỗi ám ảnh kéo dài của tôi về hình dạng của các biến lệch trong ngôn ngữ…”

Ta nhận ra một điều cũng thật giản dị: hình như Toán học và Nghệ thuật tìm đến với chân lý bằng những con đường giống nhau: đi từ cái cụ thể đến trừu tượng, để đến khi nào đó trở về hiểu rõ hơn cái “cụ thể” của đời thường. Tôi tin rằng những cuốn vở ghi của các nhà toán học khi nghe Ngô Bảo Châu giảng bài không khác nhiều lắm với so với cuốn “vở ghi” của học viên Ly Hoàng Ly. Có chăng là mỏng hơn một ít! Nhưng trong khi những học viên-toán học đang nhọc nhằn tìm hiểu ý nghĩa các con chữ, mà có thể nhiều năm sau họ mới thật sự hiểu, thì Ly Hoàng Ly đã hiểu bản chất của vấn đề: phẳng chung thủy!

Có thể đó là sự khác nhau cơ bản của Toán học với Hội họa và Âm nhạc chăng: cũng là đi tìm chân lý, nhưng một bên phải thông qua những suy luận logic nhọc nhằn, bên kia thì có thể đạt đến một cách “xuất thần” nhờ những tia chớp của cảm hứng?

Thật thú vị khi nghe Ly Hoàng Ly kể lại cách tạo ra “Phẳng chung thủy”.

Giáo sư Châu được mời tương tác bằng việc đặt từng trang giấy can lên các bản vẽ của tôi – nơi ngôn ngữ toán đã được chuyển đổi thành ngôn ngữ thị giác. Ông tìm cách lấp đầy những khoảng hổng được tạo ra bởi sự diễn dịch sai. Trong nỗ lực chỉnh lại các bức ký họa, nhiều lúc ông cũng hoang mang, không hiểu người trình diễn vẽ viết gì, và kết quả là, ông vẽ một mặt người hay cái dấu hỏi chồng lên hình ảnh khó hiểu. Với nghệ sĩ, nhà toán học đã tạo nên một hình thức thơ cụ thể với tinh thần trừu tượng”.

Những phác họa được gửi cho thợ thêu. Họ lần theo các đường nét và thêu lần lượt bằng chỉ bạc và đen, trên lụa mỏng.

Ly Hoàng Ly không biết mình đang vẽ cài gì. Những người thợ thêu không biết họ đang thêu cái gì. Ngay cả Giáo sư Châu cũng nhiều khi không hiểu mình đang tô lại trên giấy can cái gì!

Những người “không biết mình đang làm gì” đã tạo nên cái đẹp! Nhưng đó chính là điều đã xẩy ra với Toán học hàng ngàn năm nay. Khi Apolonius ngồi cắt dán những đường conic vì thấy chúng đẹp, ông không hề biết rằng mình là người đầu tiên đặt nền móng cho Kepler và Newton, để 20 thế kỷ sau họ tìm ra quỹ đạo chuyển động của các hành tinh. Khi tìm đến cái đẹp tức là ta đồng thời bắt gặp chân lý. Ly Hoàng Ly nói về nghệ thuật mà tưởng như đang nói về sự tranh cãi cả ngàn năm nay, từ Platon, Aristote đến Hilbert, Godel. Đó là vấn đề về đối tượng của Toán học. Một trong những điều kỳ lạ nhất của Toán học là: ta biết rõ những kiến thức toán học mà ta có là gì, hơn là những kiến thức đó nói về cái gì!

Nhưng nói cho cùng, Nghệ thuật “may mắn” hơn Toán học: nếu trong Toán học dường như chỉ có một “chân lý” (định lý) mà người ta buộc phải tìm cách hiểu, thì trong hội họa và âm nhạc, mỗi người có thể cảm nhận theo cách của riêng mình. Không cần phải “hiểu”, chỉ cần “cảm nhận” được là mỗi người đã có thể đạt đến chân lý. Của riêng mình.

Written by dinhthucuc

Tháng Tám 2, 2014 at 6:38 chiều

TRỒNG NGƯỜI…NHIỆM KỲ

leave a comment »

 Vì lợi ích 10 năm trồng cây,
Vì lợi ích NĂM năm trồng người

Written by dinhthucuc

Tháng Bảy 17, 2014 at 5:01 chiều

981 RÚT ĐI

leave a comment »

Đã dò xong lòng biển
Đã dò xong lòng người.
Đã thấy bão.

Written by dinhthucuc

Tháng Bảy 17, 2014 at 2:54 chiều

MÔNG CỔ

leave a comment »

Ngày trước đi học nước ngoài, học sinh Việt Nam thường hay coi thường các bạn Mông Cổ, vì họ học hành, thi cử kém ta.

Ngẫm ra thì họ giỏi.

Ngày xưa vó ngựa Mông Cổ dẫm nát cỏ từ Á sang Âu.

Ngày nay vó ngựa Mông Cổ rong ruổi thảo nguyên thanh bình. Nướng thịt cừu, uống rượu, ngắm trăng.

Quên cả sự đời.

Quên hai anh chàng “siêu cường” luôn ép hai bên.

Đáng tự hào nhất là họ làm được điều này: hình như cả thế giới không còn nhớ đến họ.

Written by dinhthucuc

Tháng Bảy 14, 2014 at 6:27 chiều

PHỞ BÒ NAM ĐỊNH

leave a comment »

PHỞ BÒ NAM ĐỊNH

Thành phố nào ở Việt Nam cũng có những quán “Phở bò Nam Định”. Lần này được một bạn đưa về “quê hương gốc” của phở bò Nam Định: thôn Giao Cù, Nam Trực. Theo lời anh bạn, phải là phở nhà họ Cồ mới thực sự là “gốc”.

Loanh quanh mãi cũng đến được quán phở họ Cồ. Không có vẻ là hàng phở, ngoài việc vẫn còn mấy cái bát khách đã ăn đang để ở một trong bốn cái bàn của phòng khách. Cô chủ quán xinh đẹp dọn cho ba người ba bát phở, như là đãi khách đến chơi. Bàn bên cạnh, con gái cô chủ quán cũng đang vừa ăn phở, vừa xem tivi.

Nghe nói làng này phần đông gửi con cho ông bà, còn bố mẹ đi khắp nơi làm giàu bằng món phở gia truyền. Nhiều thầy giáo cũng đổi đời nhờ xếp bút nghiên, cầm dao thớt.

Phở ngon. Nhưng không dám “bình”, vì chắc không hơn được cụ Nguyễn Tuân. Mà mình thì chỉ thiếu chút nữa là tụt xuống hàng “thực bất tri kỳ vị”.

Nhưng mà ăn phở ở nơi là “gốc” của phở Nam Định cũng thấy vui. Chợt nhớ hồi ở Paris, một lần Ngô Bảo Châu rủ đi ăn quán phở Việt ở gần Nhà thờ Đức Bà: “Cháu thích cái quán phở này vì bàn ghế, những chai tương ớt để trên bàn trông hơi bẩn bẩn. Nó gợi nhớ Hà Nội!”. Mà qủa thật, ăn ở đó có cảm giác “phở” hơn những nhà hàng Việt ở Quận 13.

Thế mới biết, vị ngon của món ăn đâu chỉ nằm trong cái bát.

Written by dinhthucuc

Tháng Bảy 11, 2014 at 4:30 chiều

LẤN BIỂN

leave a comment »


Gần Bảo tàng Quảng Ninh có mấy hòn núi đá vôi tuyệt đẹp. Cái thì đứng trên đất bằng, cái thì đứng trong một hồ nước, nhưng vì cái hồ nhỏ quá nên có cảm giác như nó đứng trong ao.
Nghe nói chỉ cách đây 10 năm thôi, những hòn núi đó đang ở giữa biển, bên cạnh những hòn núi khác, mà người ta gọi là đảo, để làm nên Vịnh Hạ Long. Rồi người ta lấn biển. Mỗi “đời” lãnh đạo lấn thêm một ít. Những biệt thự kiểu Pháp, nhà hàng sang trọng san sát mọc lên. Những hòn núi vĩnh viễn bị chia lìa với biển. Trông nó bây giờ như biểu tượng của sự xa cách tuyệt vọng. Núi, biển nhìn thấy nhau mà không bao giờ gặp mặt. Biển ở đây lặng quá. Bình thường thấy vịnh thật hiền hòa yên tĩnh, nhưng khi nhìn những ngọn núi này, lại có cảm giác hình như cái vịnh này hơi có phần cam chịu. Giá như biển có thể làm nên những cơn sóng cuồng nộ tràn bờ thì may ra đôi lúc núi, biển còn được gặp nhau.
Dọc theo vịnh bây giờ có một con đường “bao biển” rất đẹp. Nó cũng có công chấm dứt chuyện lấn biển. Nhưng nghe đâu một kỳ lãnh đạo mới lại muốn lấn thêm. Kế hoạch không thành vì hai lý do. UNESCO dọa là nếu còn lấn nữa thì sẽ đưa Hạ Long ra khỏi danh sách “di sản thế giới”. Nhưng đó là chuyện nhỏ. Lý do chính là mấy đại gia, ông chủ những biệt thự kiểu Pháp bên bờ biển phản đối. Nếu lấn nữa, họ sẽ thành ra ở “hàng hai”, bị những đại gia mới án ngữ trước mặt. Thât là ơn các đại gia, nếu không thì Hạ Long dần dần sẽ thành “Hạ Long trên cạn”.

Tất nhiên là vẫn đẹp, nhưng như thế thì đã có Ninh Bình rồi.

Written by dinhthucuc

Tháng Bảy 7, 2014 at 2:39 chiều

CHUYỆN GIÁO DỤC VÙNG CAO

with 2 comments

Đi dạy cao học, chẳng biết dạy được học viên cái gì, nhưng mình thì học được rất nhiều điều ở họ. Những mẩu chuyện có thật, mặc dù có thể ai đó nói là “không điển hình”, vẫn giúp ta có cái nhìn toàn diện hơn về giáo dục. Không nên chỉ nhìn loanh quanh ở mấy thành phố lớn. Cũng không thể chỉ “nhìn ra thế giới” rồi phán những điều rất thông thái về giáo dục Việt Nam. Thỉnh thoảng cũng nên ngó một chút về vùng sâu, vùng xa, nơi “khỉ ho cò gáy”.

Sẽ đưa dần lên đây những mẩu chuyện nghe được. Không bình luận.

THI TỐT NGHIỆP (Chuyện thứ nhất)

Hôm nay học sinh kết thúc kỳ thi tốt nghiệpTHPT trong nắng nóng. Lại nhớ chuyện mấy thầy cô giáo cùng cao (học viên cao học) kể. Chuyện thật mà như đùa.

Đến gần ngày thi tốt nghiệp rồi mà vẫn còn mấy học sinh không thấy bóng dáng đâu. Liên lạc không được, các thầy cô về tận bản để tìm. Hóa ra các cậu học sinh đó vẫn tranh thủ lên nương. Biết thầy cô đang “săn”, các em lẩn trốn như con nai, con hoẵng. Thình thoảng, có thầy phát hiện ra em học sinh đang trốn, reo lên vui mừng:”Nó kia kìa”! Rồi nháo nhào chia nhau các ngả để bắt về thi cho ký được.

Các thầy cô bảo:”Biết là sai, nhưng vào phòng thi vẫn phải làm giúp học sinh. Không thế, chúng nó đỗ thế nào được. Mà thế thì năm sau lại chẳng có em nào đến trường. Chẳng lẽ vùng cao không có học sinh”?

Hình như các thầy cô đó lờ mờ nhận thấy mình buộc phải làm sai để chữa cái sai của ai đó, lớn hơn.

Danh hiệu “nhà giáo nhân dân” có lẽ chỉ nên dành cho những thầy cô giáo vùng cao. Nghe chuyện họ kể mà cứ thấy ngèn nghẹn.

Không cười được.

HỌC PHÍ (  Chuyện thứ 2)

Giờ giải lao, chuyện với một học viên cao học, là thầy giáo vùng Lục Ngạn, Bắc Giang:

–        Ở chỗ em, học sinh nghèo lắm thầy ạ, nhiều em đến kỳ không xin nổi bố mẹ tiền học phí.

–        Thế không được miễn à?

–        Vẫn chưa đủ tiêu chuẩn! Bọn em phải nộp giúp chúng nó. Nếu lớp không nộp học phí thì em mất điểm thi đua, mà cũng sẽ bị chậm lên lương.

–        Lương đã ít, lấy gì bù? Dạy thêm à, nghe nói bị Bộ cấm rồi chứ?

–        Ôi thầy ơi! “Dỗ” chúng nó đến lớp để mình dạy còn chẳng xong, nói gì dạy thêm. Được cái vùng em nhiều vải. Mùa vải, đến vườn người ta lấy vải mang ra chợ bán. Một buổi đi dạy, một buổi bán vải, cũng tạm ổn. Với lại, ở miền núi thì cũng ít tiêu pha.

VAY…HỌC TRÒ (  Chuyện thứ 3)

–        Thấy ơi, ở chỗ em có chỉ tiêu mỗi năm, mỗi giáo viên phải vận động được một số nhất định học sinh mới đến trường thầy ạ.

–        Không đạt chỉ tiêu thì thế nào?

–        Lại mất điểm thi đua, lại chậm lương. Nhưng mà bọn em cũng có cách!

–        Cách gì?

–        Này nhé, giả dụ chỉ tiêu là phải vận động được 5 em, mà năm nay em vận động được 8 em. Nếu để nguyên “thành tích” như thế thì được khen. Nhưng em cho các bạn trong tổ “vay” 3 em, để bù nếu họ bị thiếu hụt. Năm sau, không may “thất bát” mà chỉ vận động được 2-3 em chẳng hạn, thì em lại đòi nợ!

Nghe như chuyện đùa, mà thấy muốn khóc.

Không chỉ vì thương những thầy cô giáo đó…

IV. CHỈ CÒN CÁCH…TÂM THẦN ( Chuyện thứ 4)

Lại chuyện kể của cô giáo vùng cao:

“Muốn được đạt tiêu chuẩn này nọ, thì tỷ lệ học sinh đến lớp trên tổng số học sinh trong danh sách phải rất cao. Mà trên thực tế thì ở vùng cao, tỷ lệ này thấp lắm. Vì thế, mỗi khi có đoàn kiểm tra xuống, bọn em phải tìm cách làm sao những em nghỉ học phải có lý do “bất khả kháng”. Vậy nên, nhiều khi phải cho một vài em “mắc bệnh tâm thần”, nghỉ học dài hạn! Cũng sợ phụ huynh biết, họ mắng là ghi con họ tâm thần, nhưng còn sợ đoàn kiểm tra hơn. Cứ đối phó mãi thế này, bọn em cũng lo rồi mình…tâm thần mất!”

Học sinh không tâm thần.

Thầy cô giáo chưa tâm thần.

Trong những chuyện làm cả xã hội “tâm thần” thế này, phải có ai đó “tâm thần” thực sự!

 

Written by dinhthucuc

Tháng Sáu 8, 2014 at 8:18 chiều

MỘT MÌNH Ở BIỂN

with 2 comments


Ngay khi xách cái cặp đeo lên vai, mình rút laptop ra, bỏ lại. Bà lão “ủng hộ nhiệt liệt”: chẳng mấy khi có thể biến một kỳ “Công tác+ Nghỉ ngơi” thành “Nghỉ ngơi+ Công tác” dễ dàng thế. Ra đến cổng, biết là nếu bỏ laptop ra trưóc 5 phút thì chắc khi đeo cặp lên vai, mình đã lại nhét nó vào cặp rồi!


Rỗi rãi, vớ được trong tủ cuốn “Một mình ở Châu Âu”, chắc là Thái để lại từ hè trước. Đọc thấy hay, một phần có lẽ vì Phan Việt viết về những nơi mình đã từng sống khá lâu, hoặc đến nhiều lần: Paris, Berlin, Venice, Rome, chỉ trừ Rostok. Phan Việt có nhiều cảm nhận tinh tế.

Nhớ Paris. Không hiểu sao, chẳng có gì liên quan mà bỗng có ý nghĩ: chắc cuối cùng NBC sẽ rời Chicago, về “định cư” ở Paris. Cái thành phố ấy, nếu sống lâu lâu một chút ở đó, người ta muốn ở mãi. Tất nhiên là nếu có thể.

Gấp sách lại, mới chú ý cái câu ngay dưới tên sách: “Bất hạnh là một tài sản”. Phan Việt thường vẫn có những ý tưởng khá độc đáo. Nhưng những người có “tài sản” đó chắc đều mong phá sản! Để khi đã thành “vô sản” rồi, họ lại phải đấu tranh để “chỉ mất xiềng xích mà được cả thế giới”.
Lý luận mà thích “đi đến cùng” thì bao giờ cũng luẩn quẩn.

Thế đấy, như cuộc đời.

Written by dinhthucuc

Tháng Năm 8, 2014 at 11:11 sáng

UỐN NẮN ĐẦU TÓC THIÊN HẠ (CẮT TÓC VỈA HÈ-V)

with one comment

Hôm nay bảo tay cắt tóc quen:

–        Mấy lần nói chuyện với cậu, tớ đoán cậu mèng lắm cũng làm anh giáo sư Triết học, sao lại phải đi làm cái nghề này?

Hắn chép miệng:

–        Thế đấy bác ạ. Thằng em sinh đôi với cháu đang làm chức to lắm.

Tôi ngạc nhiên:

–        Sao anh em sinh cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm mà số lại khác nhau thế?

–        Thì bố cháu bảo đã hỏi ông thầy xem tử vi đúng câu bác vừa hỏi, khi cháu mới một tuổi. Ông ta bảo:”Lúc đầu ông ấy cũng ngạc nhiên khi làm lá số cho hai đứa. Nhưng nghĩ kỹ thì thấy: đều làm cái nghề UỐN NẮN ĐẦU TÓC THIÊN HẠ cả, nhưng thằng anh chỉ dùng dao kéo. Thằng em sinh sau có mấy phút nhưng nó không từ công cụ nào. Bới thế nên mới đoán thằng anh chỉ làm anh thợ cắt tóc là cùng. Còn thằng em thì khó nói lắm, nó lên cao chưa biết đến chức nào”.

Rồi hắn an ủi:

–        Tại cái số cả đấy bác ạ. Như bác, chắc cũng bị cái sao nào chiếu, chứ trời mưa gió ẩm ướt thế này, người khá giả ai chịu ra ngồi vỉa hè cắt tóc bao giờ.

Chắc cũng do thông cảm với người cùng cảnh ngộ nên hôm nay hắn lấy khá rẻ, có 30K.

 

Written by dinhthucuc

Tháng Tư 9, 2014 at 7:46 sáng

CHUYỆN THUỞ LÊN 10

with one comment

  1. CẢ THÀNH PHỐ CHỈ CÓ MỘT CÔNG TẮC ĐIỆN.

Đó là Thành Phố Vinh, 1956. Hồi đó mới có điện, quý lắm. Khu tập thể nơi tôi ở (phố Ngư Hải), cứ hai nhà được cho một ngọn điện. Nhà tôi với nhà cô Chế Thị Bông chung một cái bóng đèn điện, treo giữa ô vuông nhỏ đục trên vách nứa ngăn giữa hai nhà!

Không thể biết khi nào nó sáng, khi nào nó tắt. Cái công tắc chung ở đâu đó trên thành phố. Thỉnh thoảng có tý ánh sáng là quý rồi.

Bây giờ chắc không ai tin chuyện hơn nửa thế kỷ trước, có một cái công tắc “ánh sáng” chung cho mọi người.

Liệu nửa thế kỷ sau, có ai tin một thời đã có cái công tắc chung cho ánh sáng trong đầu mỗi người hay không?

II. NGÔI NHÀ Ở QUÊ

Tôi về quê (làng Thịnh Xá, Hương Sơn, Hà Tĩnh) lần đầu năm 10 tuổi. Ấn tượng sâu nhất về ngôi nhà ở quê là sao mà lắm câu đối đến thế. Từ cổng vào đã có bao nhiêu câu, rồi thì câu đối xếp kín mấy lớp thành cái trần nhà! Các cụ bảo, hồi trước có việc hiếu, việc hỷ gì đó, bạn bè thường tặng đôi câu đối. Chắc cũng như ngày nay đưa phong bì. Sang thời cải cách, những tàn dư phong kiến ấy được giấu lên mái nhà, kiêm luôn cái việc chống nóng.
Năm sau ông bác về bán nhà, có anh hàng xóm sang xin Cụ những câu đối ấy. Ông Cụ đồng ý ngay, không khỏi ngạc nhiên: cái lão mù chữ này, xin câu đối làm gì nhỉ.
Năm sau nữa, về chơi ở quê ra, Cụ cười khà khà:
– Mình học nhiều mà thua cái lão mù chữ. Mình chỉ thấy mấy câu đối ấy là “tàn dư phong kiến”. Hắn thì nhìn ra toàn gỗ tốt! Nghe nói hắn làm được bao nhiêu là tủ gỗ, bán được món tiền ra trò!

Giờ nghĩ lại thấy cũng có lý: ông hàng xóm phá CNPK để xây CNXH, chứ còn gì nữa.

 

Written by dinhthucuc

Tháng Tư 3, 2014 at 8:57 chiều

CÁCH MẠNG

with 2 comments

Cả tháng nay thế giới nói về Ucraina, nói về Crưm.

Vùng đất ấy sao mà bất an. Nó ra đi, nó trở về đều vội vã.

Nó tách khỏi nước Nga năm 1954 bởi cái quyết định vội vàng của Krushev. Nó trở về nước Nga sau cuộc trưng cầu dân ý, cũng vội vàng.

Nói cho cùng thì Crưm về với nước Nga cũng có cái lý của nó. Nhưng cái cách nó trở về làm người ta thấy bất an. Trở về sau những tiếng súng nổ ở Maidan, những chiến lũy trên đường phố Kiev. Trở về sau cuộc tháo chạy và sụp đổ của một chính quyền tham nhũng. Trở về sau những toan tính của các cường quốc.

Nhân loại ở Thế kỷ 21 vẫn chưa phải là nhân loại văn minh. Người ta viện dẫn những lý lẽ hoàn toàn như nhau, giống nhau đến từng câu từng chữ. Tất cả đều “vì nhân dân”. Nhưng kết cuộc, “ai thắng ai thua” chỉ do “tương quan lực lượng”. Người dân thì thất bại, dân Ucraina, dân Crưm, dân Nga, dân Châu Âu, dân Mỹ, và có thể là cả thế giới.

Hậu quả của những biến cố này thật khó lường. Nó cho thấy thế giới này còn phải chịu đựng nhiều vì những toan tính của các nhà chính trị.

Mình đúng là một anh “dân đen”. Không bao giờ có thể trở thành “nhà cách mạng”. Của bất kỳ cuộc cách mạng nào.

Written by dinhthucuc

Tháng Ba 24, 2014 at 8:33 sáng

DỰ ÁN…VIỄN TƯỞNG.

with 4 comments

Tôi có một dự án sau đây, không hiểu tìm nguồn đầu tư ở đâu.

Thiết kế và sản xuất đại trà một máy DỊCH TỰ ĐỘNG. Yêu cầu: nhỏ như máy trợ thính, để ó thể bỏ vào tài.

GIAI ĐOẠN I: Máy dịch “tức thời” mọi thư tiếng. Như vậy, mỗi người có thể nói chuyện với bất kỳ ai trên trái đất này bằng tiếng mẹ đẻ. Người đối thoại (với cái máy trong tai) sẽ nghe bạn đang nói bằng tiếng mẹ đẻ của anh ta. Và mặc dù anh ta trả lời bằng tiếng mẹ để của anh ấy,  bạn  thấy anh ta đang nói với bạn bằng tiếng Việt hoàn hảo

Như vậ, mọi người trên trái đất này sẽ hiểu nhau hơn. Chiến tranh sẽ bớt đi.

GIAI ĐOẠN II. Máy dịch được cả tiếng súc vật. Bạn sẽ nghe được niềm vui hay nỗi sợ hãi của loài vật.

Sẽ không còn những lễ hội như Chém lợn, không còn những chuồng chó chật ních chở xuyên biên giới.

GIAI ĐOẠN III. Máy dịch được cả tiếng cây cỏ. Bạn sẽ nghe được niềm vui và nỗi lo âu của những khu rừng đại ngàn.

Sẽ không còn những cảnh tàn phá thiê nhiên.

Thế giới này sẽ trở nên tuyệt vời biết bao với cái máy nhỏ bé đó.

Tìm đâu ra kinh phí đầu tư dự án này đây? Hay nó chỉ là đề tài cho một TIỂU THUYẾT VIỄN TƯỞNG?

Written by dinhthucuc

Tháng Ba 18, 2014 at 7:38 sáng

CẮT TÓC VỈA HÈ-I-II-III

leave a comment »

   CẮT TÓC VỈA HÈ-I

Vừa đi cắt tóc về. Vẫn ở chỗ tay thợ đặt chiếc ghế cạnh bức tường đối diện trường Nguyễn Ái Quốc. Hắn nhận xét:
– Tóc bác mọc ngang như cua thế này, chắc bác là người chấp nhận đa đảng!
Đúng là “vị trí làm việc” cũng tạo nên con người: bình thường ở chỗ khác thì làm gì có anh cắt tóc nào nói chuyện đó. Đã định chấn chỉnh cho hắn một mẻ, nhưng lại sợ: sẵn kéo trong tay, hắn đưa vài đường thì cái đầu vốn chẳng ra gì của mình trông còn thảm hại  hơn nữa! Đành ậm ừ qua chuyện:
– Ừ, từ nhỏ tóc bác muốn mọc thế nào cứ mọc, bác dùng lược bao giờ đâu.
Cắt xong, hắn lại ngắm nhìn rồi phán:” Bây giờ tóc tai gọn rồi, trông bác lại giống ông Chính ủy sư đoàn”!
Chắc hắn tự hào lắm: có mỗi cái kéo mà trong mấy phút đã biến được tay “đa đảng” thành ông chính ủy sư đoàn.
Khi trả tiền mới biết giá không hề rẻ: cắt tóc vỉa hè mà đã lên những 35.000 VNĐ một cái đầu. Vừa tháng trước có 30.000.

Hay hắn tính thêm cả tiền công “cải tạo” nhỉ?

CẮT TÓC VỈA HÈ – II

Lại vừa đi cắt tóc vỉa hè về. Lần này tay thợ hỏi:

-Bác vẫn còn làm việc à?

-Ừ, bác về hưu rồi, nhưng vẫn phải đi làm thêm.

Hắn bảo:

-Giáo sư như bác thì cơ quan người ta phải mời làm tiếp!

Về nhà kể với Bà lão, khen tay cắt tóc giỏi, đoán ra mình là giáo sư. Bà lão bảo:

        Giỏi gì! Ngần ấy tuổi, có hiệu cắt tóc sang trọng ngay cạnh mà còn phải ra vỉa hè, ai chẳng đoán ngay được  ông là giáo sư quèn chứ!

Cũng phải. Có điều bây giờ giá đã là 40.000 VNĐ, không phải 35.000 VNĐ  nữa!

 

CẮT TÓC VỈA HÈ-III

Có những anh chàng nói liều là ở ta, triết học còn non, thậm chí chưa có triết học. Mình dám chắc mấy ông ấy chưa đi cắt tóc vỉa hè bao giờ. Mấy tay thợ cắt tóc vỉa hè đích thị là triết gia bẩm sinh. Suốt này nắm đầu, lôi tóc thiên hạ, gì mà chẳng ra vài cái triết lý vụn.

Cái tay thợ mà mình vẫn cắt ấy, khi thì hắn bảo mình là “tay đa đảng” khi lại là “chính ủy sư đoàn”, rồi thì “giáo sư”, hôm nay hắn lại hỏi mình:

  • Cháu thấy trên TV nhiều người làm to lắm, chắc rất vất vả, mà tóc lại đen nhánh. Bác làm việc gì vất vả lắm hay sao mà tóc bạc hết cả thế này?
  • Còn làm gì nữa, chỉ làm người thôi!

Hắn phát hoảng:

  • Thế thì chắc tóc cháu cũng sắp bạc đến nơi rồi bác ạ!

 

 

Written by dinhthucuc

Tháng Ba 1, 2014 at 9:31 sáng

Nói chuyện với GS Hà Huy Khoái

with one comment

Chép lại bài này từ trang “Thích học Toán”

Thích Học Toán


Bài nói chuyện này đã được đăng trên Tia Sáng. Ban biên tập Tia sáng đã tự ý cắt đi một số đoạn và giật một cái tít kêu như chuông.

Cũng như bài trước, blogger 5xu giúp biên tập bài nói chuyên này.

******

NBC: Tỉ lệ nhà toán học trên đầu người có lẽ không ở đâu bằng gia đình chú Khoái. Chú Hà Huy Hân là giáo viên toán, chú Hà Huy Vui là một nhà toán học Việt nam hàng đầu trong chuyên ngành kỳ dị. Thế hệ sau còn có Hà Huy Tài, Hà Minh Lam và Hà Huy Thái. Đây là một điển hình về truyền thống gia đình hay là một sự ngẫu nhiên tai quái ?

HHK: Có thể gia đình chú không có “tỷ lệ trên đấu người làm toán cao nhất Việt Nam” (cũng có một số gia đình tương…

Xem bài viết gốc 3 766 từ nữa

Written by dinhthucuc

Tháng Một 7, 2014 at 7:27 sáng

Posted in Chuyện Đời